Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), doanh thu sơ bộ ngành CNTT-TT của Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trưởng 13,2% đạt 4.244 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2025, HSC giữ nguyên quan điểm về triển vọng tích cực cho ngành CNTT-TT với mức tăng trưởng dự kiến là 10%. Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện thứ hạng quốc tế ở một số lĩnh vực kỹ thuật số. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 17 về an ninh mạng, thứ 31 về dịch vụ bưu chính và thứ 72 về viễn thông. Kế hoạch sáp nhập giữa Bộ TT & TT và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông (theo chỉ đạo của Chính phủ) sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước.
Doanh thu CNTT-TT của Việt Nam tăng trưởng 13,2% trong năm 2024
Theo Bộ TT&TT, doanh thu sơ bộ ngành CNTT-TT của Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trưởng đáng kể ở mức 13,2% đạt 4.244 nghìn tỷ đồng. Đóng góp chính đến từ các mảng sau:
- Doanh thu mảng điện tử và phần cứng: Doanh thu ước tính đạt 3.878 nghìn tỷ đồng (khoảng 152 tỷ USD), tăng trưởng 11,2%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử và phần cứng ước tính đạt 132 tỷ USD, tăng trưởng 11,6%. Tỷ trọng giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu ngành CNTT-TT ước tính đạt mức 31,8%, tăng 3,1 điểm phần trăm so với năm 2023.
- Dịch vụ cổng thông tin: Doanh thu ước tính tăng trưởng 21% đạt 71 nghìn tỷ đồng và hoàn thành 111% kế hoạch năm 2024.
- Viễn thông: Doanh thu ước tính tăng trưởng nhẹ 3,5% đạt 147 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85% so với 79% trong năm 2023. Số lượng thuê bao băng thông rộng di động đạt 94 thuê bao trên 100 người, tăng 10% so với năm 2023.
- Chuyển đổi số quốc gia: Chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) năm 2023 là 0,7326 so với 0,7111 trong năm 2022 và 0,4858 trong năm 2020. Tổng số giao dịch được thực hiện thông qua Nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính là 1,031 tỷ giao dịch tính đến cuối tháng 12/2024 (tăng 56% so với năm 2023).
- An ninh mạng: Doanh thu ước tính đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 30%.
Triển vọng tích cực cho năm 2025
HSC giữ nguyên quan điểm về triển vọng tích cực cho doanh thu CNTT-TT của Việt Nam trong năm 2025, cho thấy mức tăng trưởng dự kiến là 10% đạt 4.668 nghìn tỷ đồng. Dẫn đầu là mảng dịch vụ CNTT trong khi mảng phần cứng dự kiến tăng trưởng 8,6%, thấp hơn so với mức 11,2% ước tính trong năm 2024. Nói chung, năm 2025 được coi là năm then chốt đối với ngành CNTT-TT Việt Nam nhờ các sáng kiến/chiến lược của Chính phủ tập trung vào ngành Công nghiệp Bán dẫn, CSHT kỹ thuật số và Phát triển nguồn nhân lực. Điều này sẽ định vị Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực.
FPT (Tăng tỷ trọng) và CTR (Tăng tỷ trọng) là những lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong ngành này. Nguồn nhân lực mạnh mẽ, khả năng mở rộng và tập trung chiến lược vào các lĩnh vực tăng trưởng cao của FPT giúp công ty tiếp tục tăng trưởng, trong khi CTR hưởng lợi từ việc triển khai thương mại hóa mạng 5G đang tăng tốc tại thị trường Việt Nam.
Thành tựu vững chắc trong năm 2024
Bộ TT&TT đã công bố doanh thu sơ bộ của ngành CNTT-TT trong năm 2024, cho thấy mức tăng trưởng vững chắc 13,2% đạt 4.244 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ cổng thông tin, dịch vụ CNTT và xuất khẩu phần cứng/điện tử. Trong năm 2025, HSC dự báo mức tăng trưởng 10% đạt 4.668 nghìn tỷ đồng, được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng bền vững của mảng dịch vụ CNTT. Chúng tôi giữ quan điểm tích cực về ngành CNTT-TT tại Việt Nam, được hỗ trợ nhờ chính sách của Chính phủ trong việc tập trung thúc đẩy các mảng chuyển đổi số, bán dẫn, AI và 5G. HSC khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với FPT và CTR.
Doanh thu CNTT-TT của Việt Nam tăng trưởng 13,2% trong năm 2024
Theo Bộ TT&TT, doanh thu sơ bộ ngành CNTT-TT của Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trưởng đáng kể 13,2% đạt 4.244 nghìn tỷ đồng. Đóng góp chính đến từ các mảng sau:
- Doanh thu mảng điện tử và phần cứng: Doanh thu ước tính đạt 3.878 nghìn tỷ đồng (khoảng 152 tỷ USD), tăng trưởng 11,2%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử và phần cứng ước tính đạt 132 tỷ USD, tăng trưởng 11,6%. Tỷ trọng giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu ngành CNTT-TT ước tính đạt mức 31,8%, tăng 3,1 điểm phần trăm so với năm 2023.
- Dịch vụ cổng thông tin: Doanh thu ước tính tăng trưởng 21% đạt 71 nghìn tỷ đồng và hoàn thành 111% kế hoạch năm 2024.
- Viễn thông: Doanh thu ước tính tăng trưởng nhẹ 3,5% đạt 147 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85% so với 79% trong năm 2023. Số lượng thuê bao băng thông rộng di động đạt 94 thuê bao trên 100 người, tăng 10% so với năm 2023.
- Chuyển đổi số quốc gia: Chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) năm 2023 là 0,7326 so với 0,7111 năm 2022 và 0,4858 năm 2020. Tổng số giao dịch được thực hiện thông qua Nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính là 1,031 tỷ giao dịch vào cuối tháng 12/2024 (tăng 56% so với năm 2023).
- An ninh mạng: Doanh thu ước tính đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 30%.
- Kinh tế số – Xã hội số: Tỷ trọng kinh tế số trong GDP (ước tính) là 18,3%, tăng trưởng 20% so với năm ngoái.
Với những kết quả này, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện thứ hạng quốc tế trong một số lĩnh vực kỹ thuật số. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 17 về an ninh mạng (tăng 8 bậc so với năm ngoái), đứng thứ 31 về dịch vụ bưu chính và đứng thứ 72 về viễn thông (tăng 7 bậc so với năm ngoái).
Một số cột mốc quan trọng của ngành CNTT-TT Việt Nam trong năm 2024
Bên cạnh những thành tựu này, ngành CNTT-TT đã đạt được một số cột mốc quan trọng trong năm 2024, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai, bao gồm:
Ngày 5/12/2024, NVIDIA thông báo sẽ mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên tại Việt Nam, báo hiệu sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Theo đó, NVIDIA đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của mình tại Việt Nam, tập trung vào AI. NVIDIA sẽ sử dụng trung tâm R&D này để tập trung phát triển phần mềm, tận dụng nguồn nhân lực kỹ thuật STEM giàu tiềm năng của Việt Nam, đồng thời hợp tác với các công ty đầu ngành, các công ty khởi nghiệp, cơ quan chính phủ, trường đại học và sinh viên nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng AI. Với mối quan hệ đối tác chiến lược này, Chính phủ Việt Nam và NVIDIA cam kết cùng nhau thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI tại Việt Nam, tạo dựng một tương lai tươi sáng cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghệ cao ở Đông Nam Á. Nỗ lực hợp tác vào tháng 4/2024 giữa NVIDIA và FPT để phát triển các nhà máy AI đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành công nghệ Việt Nam.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ban đầu được Quốc hội phê duyệt vào năm 2009 (Nghị quyết 12/2009/QH12) với công suất dự kiến 4.000MW nhưng sau đó đã bị dừng triển khai vào năm 2016 (Nghị quyết 14/2016/QH14). Tuy nhiên, vào ngày 25/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất về việc tái khởi động dự án và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. Quyết định này sau đó đã được hợp thức hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội vào ngày 30/11/2024, trong đó chỉ đạo Chính phủ bố trí các nguồn lực cần thiết và sửa đổi các luật liên quan, bao gồm Luật Năng lượng nguyên tử. Chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp để thu hút nhân tài phục vụ cho việc khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Năng lượng hạt nhân không chỉ là nguồn cung cấp điện đáng tin cậy mà còn là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm sản xuất, bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao. Dự án này sẽ tăng cường nguồn cung năng lượng sạch, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2050 được triển khai theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong đó: Giai đoạn 1 (2024-2030) có các mục tiêu cụ thể sau:
- Thu hút có chọn lọc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành lập ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói và kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên biệt trong một số ngành công nghiệp.
- Quy mô doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%; quy mô doanh thu ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%.
- Quy mô nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư và cử nhân, với cơ cấu và số lượng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành.
Luật Dữ liệu được thông qua vào tháng 11/2024 cũng thúc đẩy tăng trưởng của ngành trong tương lai: Vào ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Dữ liệu. Mục đích chính của luật này là xây dựng một hệ thống quản trị dữ liệu quốc gia một cách bài bản và thiết lập một khung pháp lý đồng bộ để thúc đẩy sự tiến bộ kỹ thuật số của Việt Nam. Luật Dữ liệu mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số của Việt Nam cũng ra đời nhằm mục đích thiết lập khung pháp lý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm như bán dẫn và AI. Theo đó, dự thảo luật đã nêu rõ các yếu tố cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số. Các yếu tố này bao gồm: nghiên cứu và phát triển công nghệ số, CSHT cho công nghệ số, hệ sinh thái công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ số, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ số.
Luật đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm phát triển đội ngũ nhân sự nghiên cứu, chuyên gia chất lượng cao và nhà nghiên cứu. Luật cũng khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm tiên tiến, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để đào tạo nhân tài trong nước và chuyển giao công nghệ.
Viễn thông – Bước tiến lớn với việc thương mại hóa mạng 5G
Hai trong ba nhà mạng lớn đã chính thức triển khai dịch vụ 5G
Một trong những tiến bộ lớn của ngành viễn thông Việt Nam trong năm 2024 là việc chính thức thương mại hóa mạng 5G sau 5 năm kể từ lần thí điểm kỹ thuật thành công lần đầu tiên vào cuối năm 2019 và sau nhiều năm trì hoãn kế hoạch thương mại hóa.
Trong các cuộc đấu giá băng tần mạng 5G được tổ chức vào nửa đầu năm 2024, mỗi nhà mạng trong ba nhà mạng lớn (Viettel, VNPT và Mobifone – đều thuộc sở hữu 100% của nhà nước và chưa niêm yết) đều thắng thầu được một khối băng tần: Viettel giành được khối băng tần B1 (2,5-2,6 GHz), VNPT giành được khối băng tần B2 (3,7-3,8 GHz) và Mobifone giành được khối băng tần C3 (3,8-3,9 GHz). Giá trúng thầu của khối băng tần B1 là 7.533 tỷ đồng trong khi giá trúng thầu của mỗi khối trong hai khối còn lại là 2.582 tỷ đồng (lưu ý rằng khối B1 tương thích với cả mạng 4G và 5G, trong khi các khối C2 và C3 chỉ tương thích với mạng 5G). Sau khi thắng thầu, các nhà mạng di động này sẽ có thời hạn 15 năm để phát triển mạng lưới của mình trên các khối băng tần được cấp trước khi giấy phép hết hiệu lực.
Vào ngày 15/10/2024, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam chính thức ra mắt dịch vụ 5G thương mại. Tiếp ngay sau đó, ngày 20/12/2024, VNPT cũng thông báo chính thức triển khai dịch vụ 5G. Mặc dù chưa tham gia cuộc đua, Mobifone đã tiết lộ kế hoạch ra mắt dịch vụ 5G thương mại trong vài tháng tới.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai 5G, Viettel đã triển khai khoảng 6.500 trạm BTS 5G trên toàn quốc, chủ yếu bằng cách lắp đặt thiết bị 5G trên các trạm BTS hiện có. Lưu ý, Viettel hiện có khoảng 50.000 vị trí đặt trạm BTS trong tổng số 100.000 vị trí trên toàn quốc.
Cập nhật về mức độ sử dụng mạng 5G
Về phía Viettel, số lượng thuê bao 5G của họ đã nhanh chóng đạt 3 triệu thuê bao trong vòng hai tuần sau khi ra mắt và tiếp tục tăng lên 4 triệu sau hai tháng. Con số này tương đương với 70% số thuê bao trong các khu vực có phủ sóng 5G của Viettel. Ở giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa 5G, Viettel sẽ tập trung vào các tỉnh thành lớn để với mục tiêu là nhóm người dùng tiên phong. Lưu ý, những người sử dụng 5G phải có thiết bị di động hỗ trợ 5G để có thể truy cập vào mạng.
Theo Viettel, nhà mạng này hiện có tổng cộng 10 triệu thuê bao sử dụng thiết bị hỗ trợ 5G trên toàn quốc. Điều này có nghĩa là còn khoảng 6 triệu thuê bao đã sẵn sàng chuyển đổi sang mạng 5G.
Trong năm 2025, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng 5G với mục tiêu dịch vụ 5G có thể được truy cập tại trung tâm của tất cả các quận, huyện trên cả nước. Viettel cũng sẽ nhắm mục tiêu đến các khách hàng doanh nghiệp (B2B) hoạt động trong các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, v.v., theo xu hướng đã được triển khai trên toàn cầu.
Tổ chức đấu thầu khối băng tần 4G/5G bổ sung
Vào ngày 24/12/2024, Bộ TT&TT đã thông báo tổ chức đấu thầu ba khối băng tần 700MHz để sử dụng cho mạng 4G và 5G. Theo đó, ba khối băng tần sẽ được đấu giá lần này bao gồm khối B1-B1′ (703-713MHz và 758-768 MHz), khối B2-B2′ (713-723MHz và 768-778 MHz) và khối B3-B3′ (723-733 MHz và 778-788 MHz). Cả ba khối đều có mức giá khởi điểm là 1.956 tỷ đồng. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu thầu là từ 25/12 đến 27/12/2024.
Băng tần 700MHz được các nhà mạng di động đánh giá cao về khả năng thương mại hóa nhờ phạm vi phủ sóng rộng so với các băng tần cao hơn. Điều này sẽ mở đường cho việc phủ sóng 5G rộng hơn và cũng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Bộ TT&TT đối với việc thương mại hóa 5G.
Kế hoạch sáp nhập giữa Bộ TT&TT và Bộ KH&CN sẽ thúc đẩy tăng trưởng
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT & TT và Bộ KH&CN sẽ được sáp nhập thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Sự hợp nhất này sẽ tạo ra một cơ quan quản lý lớn và mạnh mẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Việc sáp nhập hai bộ nhằm mục đích tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, đồng bộ hóa chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khuyến khích các giải pháp công nghệ. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng AI và công nghệ số để hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.
Doanh thu ngành CNTT-TT của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 10% trong năm 2025
Cho năm 2025, HSC giữ nguyên quan điểm về triển vọng tích cực cho doanh thu CNTT-TT của Việt Nam với mức tăng trưởng dự kiến là 10% đạt 4.668 nghìn tỷ đồng. Dẫn đầu là mảng dịch vụ CNTT trong khi mảng phần cứng dự kiến tăng trưởng 8,6%, thấp hơn so với mức 11,2% ước tính trong năm 2024. Nói chung, năm 2025 được coi là năm then chốt đối với ngành CNTT-TT Việt Nam nhờ các sáng kiến/chiến lược của Chính phủ tập trung vào ngành Công nghiệp Bán dẫn, CSHT kỹ thuật số và Phát triển nguồn nhân lực. Điều này sẽ định vị Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực.
FPT (Tăng tỷ trọng) và CTR (Tăng tỷ trọng) là những lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong ngành này. Nguồn nhân lực mạnh mẽ, khả năng mở rộng và tập trung chiến lược vào các lĩnh vực tăng trưởng cao của FPT giúp công ty tiếp tục tăng trưởng, trong khi CTR hưởng lợi từ việc triển khai thương mại hóa mạng 5G đang tăng tốc tại thị trường Việt Nam.
Nguồn: CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC)
Tuyên bố miễn trách nhiệm
Báo cáo nghiên cứu này được viết với mục tiêu duy nhất là cung cấp những thông tin khái quát đến nhà đầu tư tổ chức. Báo cáo này không nhằm tới những mục tiêu đầu tư cụ thể, tình trạng tài chính cụ thể hay nhu cầu cụ thể của bất kỳ người nào nhận được hoặc đọc báo cáo này. Nhà đầu tư phải có quyết định của riêng mình dựa trên tình hình tài chính và mục tiêu đầu tư cụ thể của mình. Các thông tin cũng như ý kiến trong báo cáo không mang tính chất mời chào mua hay bán bất cứ chứng khoán, quyền chọn, hợp đồng tương lai hay công cụ phái sinh nào tại bất kỳ lãnh thổ có quyền tài phán nào. Đồng thời, các thông tin cũng như ý kiến trong báo cáo cũng không nhằm mục đích quảng cáo cho bất cứ công cụ tài chính nào.